Địa chỉ: http://dulichhaugiang.com/Tourist/Cho-noi-Nga-Bay---Phung-Hiep-40.vi.html#dcth
Nội dung:
CHỢ NỔI NGÃ BẢY – PHỤNG HIỆP
Cập nhật 16/12/2010, 16:10
Chợ nổi ở phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Ttrước kia chợ thuộc địa bàn thị trấn Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, nên còn có tên là chợ nổi Phụng Hiệp. Chợ cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30 km, trên ngã bảy Phụng Hiệp - nơi 7 tuyến sông gặp nhau là: Cái Côn, Búng Tàu, Mang Cá, Sóc Trăng, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Dong.
Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp
Chợ nổi Ngã Bảy là một trong những chợ nổi nhộn nhịp và nổi tiếng nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ẩn sâu trong chợ nổi chính là tầng sâu văn hoá bản địa không chỉ riêng của Hậu Giang mà là hồn của cả vùng sông nước Cửu Long. Hồn sông chính là chợ nổi bởi nó lưu dấu bước chân tiền nhân, nối quá khứ với hiện tại; thói quen, tập quán, tâm linh và là sáng tạo văn hoá kinh tế thương hồ của ông cha đã hơn thế kỷ trên vùng đất mới. Ngày nay, chợ nổi Ngã Bảy còn xuất hiện trên hầu hết các Website du lịch, sách hướng dẫn du lịch trong và ngoài nước.
* Lịch sử
Ra đời vào khoảng năm 1915, trên một đoạn sông mênh mông rẽ về 7 ngã. Người Pháp đã bỏ ra 10 năm đào 7 con kênh xáng để tỏa đi khắp mọi hướng. Nơi đây trở thành đầu mối giao thông thủy lớn nhất Nam Kỳ thời ấy - người Pháp thường gọi Ngã Bảy là “Ngôi sao Phụng Hiệp”. Từ các ngã, thuyền bè tấp nập tụ về đây. Hàng hoá của chợ cũng đa dạng và phong phú không kém những ngôi chợ bình thường khác. Bao nhiêu năm qua, Ngã Bảy là chợ tổng hợp, mua bán sỉ, lẻ đủ loại hàng hoá mang đặc trưng, sắc màu của miền sông nước Tây Nam Bộ.
Từ năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy không còn nữa, với lý do đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, người ta đã di dời chợ về vị trí mới trên kênh Cái Côn, gọi là chợ nổi Ba Ngàn. Việc thay đổi này bước đầu gây nên sự không đồng tình trong dư luận. Vị trí chợ Ba Ngàn không thuận tiện cho lưu thông như chợ Ngã Bảy. Hơn nữa tên chợ Ngã Bảy đã gắn liền với tên đoạn sông nơi họp chợ và đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nhiều khách du lịch tỏ ra thất vọng với ngôi chợ mới, giới thương hồ và người dân cũng không mặn mà với chợ Ba Ngàn…
* Nét đẹp văn hoá sông nước
Muốn tham quan chợ nổi Ngã Bảy, khách có thể thuê vỏ lãi. Tại bến đò, nhiều chiếc đò nhỏ chở từ 3 - 4 khách đi chợ nổi. Đò rời bến, phong cảnh chợ nổi thật đẹp hiện ra trong sương sớm. Cảnh sinh hoạt của người dân Ngã Bảy diễn ra thật sinh động, thú vị. Hàng trăm ghe, tàu lớn nhỏ đậu san sát nhau. Chợ nổi Ngã Bảy là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, hàng nông sản của địa phương. Hàng hoá tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ và đóng vào thùng giấy. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ, thì những ghe có trọng tải lớn là của thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi.
Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của những gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “nhà di động” trên sông nước với những chậu trồng hoa kiểng, nuôi các loài vật, ghe nào cũng đầy đủ các phương tiện sinh hoạt trông rất bắt mắt và có cả xe gắn máy đậu trên ghe. Âm thanh chợ nổi bao gồm tiếng máy nổ, chèo khua nước, sóng vỗ vào mạn thuyền. Người buôn bán ở chợ nổi thường không rao hàng, bởi họ đã “bẹo” hàng trước mũi ghe, xuồng cho biết đang bán cái gì. Góp phần cho chợ nổi thêm sinh động được thể hiện qua những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn, phục vụ nhu cầu cho giới thương hồ... Các ghe dịch vụ thường nhỏ gọn, len lỏi để áp sát ghe lớn bán hàng. Muốn biết cảm giác ăn sáng trên sông nước chập chờn, bạn cũng sẽ được phục vụ với giá cả bình dân. Trên chuyến tham qua, du khách sẽ có dịp biết thêm về làng nghề truyền thống đóng ghe tàu ở phường Hiệp Thành, làng nghề đan lát, vườn cây ăn trái ở xã Đại Thành, Tân Thành và tham quan Khu sinh thái Lung Ngọc Hoàng.
* Định hướng cho tương lai
Chợ nổi Ngã Bảy là một điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có cơ quan chuyên trách quản lý và quảng bá cho du lịch chợ nổi, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn hạn chế, đa phần các tour du lịch từ nơi khác họ tự đến rồi tự đi... không có người hướng dẫn, không bến đỗ xe, không nơi bán hàng lưu niệm và không có chỗ nghỉ, nên ít khi du khách dừng lâu.
Thị xã Ngã Bảy xác định chọn thương mại, dịch vụ và du lịch là mũi nhọn để phát triển. Muốn khai thác du lịch ở đây điểm nhấn vẫn là chợ nổi. Thị xã đang kêu gọi đầu tư xây dựng các mô hình vui chơi giải trí, tạo điều kiện để du khách được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước; phát triển các mặt hàng lưu niệm, đặc sản và ngành nghề truyền thống để mang lại hiệu quả trong kinh doanh du lịch chợ nổi...nhằm phục vụ du khách được tốt hơn, đồng thời cũng là động lực để phát triển du lịch địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét